CẦN CÓ THỂ CHẾ MỚI, VĂN HÓA MỚI ?
(Thay lời giới thiệu) - Chưa bao giờ ước nguyện và quyết tâm Đổi mới của mỗi người Việt Nam và những người lãnh đạo tiến bộ lại trào dâng mạnh mẽ như hiện nay. Vì chỉ Nghĩ đúng mới có thể Nói đúng; Làm đúng, cho nên muốn Đổi mới Thể chế như quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt khẳng định, trước hết phải có Niềm tin Chiến lược, thay thế cho những tư duy còn bảo thủ và Cực đoan xem “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển” đã lỗi thời.
Từ đây, có thể nói 30 năm Đổi mới (1986 - 2016), trước hết là 30 năm từng bước Đổi mới Chính trị để Đổi mới Thể chể và Đổi mới Văn hóa (từ Thể chế, Văn hóa Cộng hòa XHCN kiểu Xô Viết sang Thể chế, Văn hóa Dân chủ Cộng hòa kiểu Việt Nam), có thể nói tiến trình này bắt đầu từ thành công của Đại hội Đảng VI năm 1986...(!?).
Có được một số thành tựu trước hết là nhờ sức dân, sự phấn đấu của Dân tộc và những người Lãnh đạo tiến bộ nhằm từ bỏ Hệ tư tưởng bảo thủ & Cực đoan (thể hiện ở: Trong nước thì lệ thuộc tư tưởng coi đấu tranh giai cấp là động lực, chống những gì Khác biệt. Ngoài nước thì lệ thuộc tư tưởng “Đại Hán”, chỉ thấy Trung Quốc là “Đồng chí tốt, Láng giềng tốt,…”, hay “16 chữ” mà không thấy quan hệ Việt – Trung chỉ tốt khi Việt Nam thực hiện theo “6 chữ” – “Vừa Hợp tác, vừa Đấu tranh”), để xây dựng Hệ tư tưởng Đoàn kết Dân tộc, Đoàn kết Quốc tế trên cơ sở không ngừng theo sát thực tiễn..
Ngoài Chí khí, Trí tuệ, Phẩm cách, có Ba điều mà mỗi người Việt Nam Mong mỏi, Gửi gắm và Đòi hỏi ở Chính trị Mới và Lãnh đạo Mới Điều thứ nhất: Chính trị Mới và Lãnh đạo Mới coi trọng Tổ Quốc trên hết. Người Việt Nam tự hào vì xưa có Thượng hoàng Trần Nhân Tông giữ gìn từng tấc đất Tổ Quốc, có Quốc công Trần Hưng Đạo với chí khí: “Bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu tôi đã” và càng tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời nói khi lập nước: “Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam”, vì thế giờ đây nếu được lãnh đạo coi Tổ quốc trên hết, thì ai nấy sẵn một lòng noi theo lớp chiến sĩ năm xưa, Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Điều thứ hai: Chính trị Mới và Lãnh đạo Mới trân trọng Văn hóa, trong đó trước hết trân trọng các giá trị cao quý của Dân chủ, Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Công lý và coi đó là kim chỉ nam cho đất nước. Hiểu như vậy mới lý giải được vì sao lãnh tụ Hồ Chí Minh lại chú trọng tham khảo Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập cho Việt Nam đã được Người long trọng đọc vào ngày 2/9/1945 lịch sử. Điều thứ ba: Chính trị mới và Lãnh đạo mới biết xây dựng tình Hữu nghị với tất cả các nước, có cốt lõi là khối Đồng minh với các nước dân chủ, không bành trướng, xâm lược. Năm 1941 Cụ Hồ đã thành lập phong trào Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) để trong nước Đoàn kết Dân tộc giành Độc lập, ngoài nước Đoàn kết với phe Đồng Minh chống phát xít và viết thư gửi Tổng thống Mỹ Harry S.Truman năm 1945/1946: “Mục tiêu chúng tôi là Độc lập hoàn toàn và Hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Đây cũng là lời thề của những người Việt Nam yêu nước, vì thế sẽ là làm ngược Quy luật và làm ngược Đạo lý khi chỉ biết đòi quyền lãnh đạo Quân đội, công an và mọi lực lượng, nhưng lại xác định mục tiêu tối thượng của Đảng là hy sinh cho “Chủ nghĩa” chứ không “Vì Tổ quốc Việt Nam”, không biết phát huy nội lực “Làm cho nước Việt Nam trở nên một nước Độc lập, Dân chủ, ngang hàng với các nước Dân chủ trên thế giới”. |
"Chỉ có quốc gia biết thu hút những cái đầu vĩ đại, đồng thời coi trọng giáo dục mới có thể trở nên giàu có" (Enrics - Mỹ). Nếu như nói đến 'niềm tin chiến lược' trước hết phải biết tin dân, động lực và nguồn sức mạnh cho mọi sự cải biến, phát triển xã hội. Nhờ Niềm tin chiến lược trên cơ sở luật pháp quốc tế và chuẩn mực của nhân loại, Việt Nam đã bước đầu tạo nên hình ảnh mới khi chuyển từ văn hóa “Đấu tranh & Độc lập” sang văn hóa “Đa dạng & Đa nguyên” thể hiện trong Tuyên ngôn về Đa dạng văn hóa năm 2001 của UNESCO: “Đa dạng văn hóa cần thiết cho loài người như đa dạng sinh học. Đa dạng văn hóa là nhân tố của sự phát triển và là ngọn nguồn của mọi sáng tạo … Đa nguyên văn hóa là biểu thị chính sách đưa đa dạng văn hóa vào cuộc sống, trong một khung cảnh dân chủ, bảo đảm quyền con người và những quyền tự do cơ bản…”.
Văn hóa Việt Nam thực chất là một nền văn hóa đa dạng, đa nguyên. Nền văn hóa này không chấp nhận Áp đặt, Độc tôn văn hóa cũng như Áp đặt, Độc quyền Chân lý. Nhiều nhà vua, nhất là thời Lý - Trần, chủ trương khoan dung tôn giáo và đa nguyên văn hóa. Có thể hiểu văn hóa Việt Nam qua nhận xét của Thánh Gandhi Ấn Độ: “Không nền văn hóa nào có thể tồn tại được, nếu như nó mưu toan, tìm cách trở thành độc tôn”. Văn hóa Hồ Chí Minh, Thể chế Hồ Chí Minh có cốt lõi là Đoàn kết tức đa dạng, đa nguyên, vì nó là sự kết tinh văn hóa Việt Nam với văn minh, văn hóa thế giới thời đó.
Rõ ràng, nếu có những cái gọi là thành tựu 30 năm Đổi Mới (1986 - 2016) trước hết phải là Đổi mới Thể chế và Đổi mới Văn hóa. Từ đây có thể nói, nếu lịch sử đã vinh danh Tổng Công trình sư Đổi Mới lần 1 là Tổng Bí thư Trường Chinh, thì với nỗ lực xây dựng Tư tưởng mới, từ “Niềm tin Chiến lược”, đến “Đổi mới Thể chế”, “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ nhân dân”…, và ý chí vượt rào cản bảo thủ đưa Tư tưởng mới vào Thực tiễn, từ “Nhà nước phải làm tốt chức năng Kiến tạo Phát triển”, “Vừa Hợp tác, vừa Đấu tranh”, đến “Đánh giá tổ chức, cán bộ phải căn cứ vào kết quả công tác”, …, nhiều Tin tưởng và Hy vọng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đảm nhận xứng đáng vai trò Tổng Công trình sư Đổi mới lần 2.
“Đổi mới Thể chế và Văn hóa Lãnh đạo đàng hoàng hơn, bắt kịp và tương xứng thời đại; Đổi mới Văn hóa làm Dân tộc, đại chúng” hay “Đổi mới Thể chế, Đổi mới Văn hóa để Việt Nam trở thành Quốc gia Khởi nghiệp và Sáng tạo”, không bị tụt hậu, … là những chủ đề đã được Ban Biên tập đề nghị các tác giả 9 bài viết thể hiện và được tập hợp trong cuốn sách có tên “Mừng Xuân mới, Thể chế mới, Văn hóa mới”.
Nhân dịp Năm mới và Xuân 2015, Viện N/C SENA hân hạnh được giới thiệu với Quý Độc giả một số bài viết trong cuốn sách này. Kính chúc Quý tác giả và Quý độc giả Sức khỏe, Thành công và Hạnh phúc.
Trân trọng.
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014
BAN BIÊN TẬP
/From: E.Mail của TS. Nguyễn Minh Đường/ --------------
0 comments: